Nâng cao năng suất lao động để tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế
( 31/05/2019 )Lợi thế về nguồn nhân công của Việt Nam đang có nguy cơ mất dần do năng suất lao động bị đánh giá thấp so với khu vực.
Trước thực tế này, nhiều giải pháp được đưa ra nhằm phát triển mạnh và toàn diện nguồn nhân lực. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là triển khai các biện pháp đó như thế nào để giải quyết được bài toán nâng cao năng suất lao động, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển? Thông tin thêm về nội dung này, chiều 14/11, Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Nâng cao năng suất lao động-yếu tố tăng tính cạnh tranh của nền kinh tế”.
Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia kinh tế, nhà quản lý, nhà khoa học cùng bàn luận về nguyên nhân cũng như giải pháp làm thế nào nâng cao năng suất lao động, tăng tính cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện năng suất, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Bộ Khoa học-Công nghệ cho rằng, hiện nay, năng suất lao động là chỉ tiêu cơ bản được tính toán và đánh giá năng suất. Tuy nhiên, khi so sánh giữa các ngành, giữa các ngành kinh tế và giữa các quốc gia thì chỉ sử dụng chỉ tiêu năng suất tính theo giá trị gia tăng chia cho số lượng lao động. Đây cũng chính là mục tiêu cải tiến năng suất mà các quốc gia đang tập trung. Với cách tính như vậy, năng suất lao động của Việt Nam rất thấp. Bên cạnh đó, còn rất nhiều yếu tố tác động đến năng suất lao động như: công nghệ, cơ cấu kinh tế, trình độ, kỹ năng người lao động, môi trường làm việc, thị trường, thủ tục hành chính.
Có một nghịch lý là, mặc dù chúng ta luôn vượt lên trên Singapore, Malaysia, Thái Lan trong các cuộc thi tay nghề nhưng năng suất lao động của người Việt Nam kém người Singapore 15 lần, kém người Malaysia 5 lần và chỉ bằng 2/5 năng suất lao động khi so sánh với người Thái Lan. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để đổi mới đổi phương thức, nâng cao hiệu quả đào tạo nghề theo cơ chế thị trường?
Ông Dương Đức Lân, Tổng Cục trưởng, Tổng Cục dạy nghề, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội nói: Trước năm 2000, thường chúng ta có gì dạy đấy, nhưng sau năm 2000 chuyển từ hướng cung sang hướng cầu. Hiện nay, chúng tôi đã ban hành được 230 chương trình khung, bao gồm các kiến thức kỹ năng cốt lõi trong đó mà do phân tích nghề. Phân tích nghề ở đây hoàn toàn do doanh nghiệp làm để biết nghề đó cần bao nhiêu nhiệm vụ, bao nhiêu việc và cần năng lực đến đâu là do doanh nghiệp đưa ra. Và chương trình khung đó được ban hành trên cơ sở nhu cầu, kiến thức, kỹ năng do doanh nghiệp đòi hỏi. Tất nhiên, để đảm bảo trình độ ra còn là vấn đề giáo viên, công nghệ, rồi vấn đề kiểm định chất lượng và nhiều yếu tố khác nữa.
Để nâng cao năng suất lao động, các chuyên gia cho rằng: đầu tư cho khoa học-công nghệ là điểm mấu chốt. Các doanh nghiệp Việt đều nhận thức được lợi ích khi đầu tư công nghệ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm nhưng lại thường gặp khó khăn về vốn.
Để tháo gỡ khó khăn này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong đề xuất cần các cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ sát với thực tế. Chúng ta đã có những động thái như đã có chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp thành lập Quỹ doanh nghiệp; đồng thời đã trừ phần chi phí để đầu tư khoa học công nghệ trước khi tính thuế cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, chúng ta cũng đã tạo bình đẳng tiếp cận nguồn vốn khoa học công nghệ quốc gia cho các doanh nghiệp./.
Leave a Reply